Giang mai lây truyền qua đường tình dục do xoắn khuẩn giang mai gây nên. Tỷ lệ mắc bệnh này trên thế giới cũng như Việt Nam ngày càng tăng,xe tập đi liên quan xu hướng quan hệ tình dục đồng giới, quan hệ tình dục sớm và không an toàn ở thanh thiếu niên.
Ngày 3/10, TS.BS Nguyễn Thị Hà Vinh, Phòng Kế hoạch tổng hợp, phòng khám STIs, Bệnh viện Da liễu Trung ương, cho biết bệnh giang mai có biểu hiện đa dạng, phức tạp, không chỉ ở da, niêm mạc mà còn có thể ở các cơ quan khác như tai, mắt, cơ xương khớp, tim mạch, thần kinh. Các dấu hiệu của bệnh thay đổi trên cùng một bệnh nhân, dễ nhầm với các bệnh lý khác, nên giới khoa học gọi là "kẻ trá hình hoàn hảo" (the great imitator).
Ở nhóm giang mai "kín", bệnh nhân hoàn toàn không biểu hiện lâm sàng đến khi được xét nghiệm kiểm tra. Vì vậy, người có tiền sử tiếp xúc, quan hệ tình dục không an toàn hoặc có những biểu hiện nghi ngờ bệnh lây truyền qua đường tình dục nên đi khám bác sĩ da liễu.
Bệnh giang mai nếu không được chẩn đoán và điều trị kịp thời có thể dẫn đến biến chứng ở các cơ quan khác như cơ xương khớp, thần kinh, tim mạch... Đặc biệt, phụ nữ mang thai mắc giang mai có thể lây truyền cho con, dẫn đến nguy cơ sảy thai, thai chết lưu, trẻ đẻ non, trẻ sinh ra nhẹ cân hoặc mắc giang mai bẩm sinh.
Đặc biệt, bác sĩ Vinh lưu ý các bệnh nhân khi có tổn thương da vùng sinh dục không nên tự dùng thuốc bôi, thuốc uống. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến loét vùng sinh dục, người bệnh cần được khám kỹ để chẩn đoán chính xác. Việc tự dùng thuốc khi chưa biết nguyên nhân có thể làm thay đổi triệu chứng ban đầu, sai lệch kết quả xét nghiệm, dẫn đến trì hoãn trong việc chẩn đoán và điều trị đúng.
Đơn cử, một bệnh nhân nam 54 tuổi, khởi phát bệnh trước khi đi khám 10 ngày với biểu hiện rát đỏ vùng rãnh quy đầu dương vật. Sau đó, tổn thương tiến triển thành vết loét dần lan rộng, kèm sốt 39 độ. Cách đi khám 3 ngày, bệnh nhân tự rửa vùng sinh dục bằng cồn iode và bôi thuốc dạng bột (không rõ thành phần), song vết thương càng nặng, đến Bệnh viện Da liễu Trung ương khám.
Bác sĩ ghi nhận tổn thương loét sâu vùng quy đầu dương vật, nền vết loét cứng, không đau, không ngứa; có nhiều hạch bẹn bên phải. Khai thác tiền sử, trước thời điểm xuất hiện tổn thương sinh dục hai tháng ông quan hệ tình dục không an toàn. Xét nghiệm huyết thanh chẩn đoán giang mai và xét nghiệm tế bào học dịch tổn thương tại vết loét, kết quả dương tính.
"Bệnh nhân mắc giang mai thời kỳ đầu còn gọi là giang mai sơ phát, điều trị bằng Benzathin penicillin G, tiêm liều duy nhất và tái khám sau một tháng", bác sĩ Vinh nói, thêm rằng bạn tình của người này cũng có nguy cơ nhiễm bệnh, cần đến viện kiểm tra.
Theo bác sĩ Vinh, bạn tình hiện tại và trong vòng một năm của người mắc giang mai cần được khám, xét nghiệm và điều trị bệnh nếu có. Nếu bạn tình không được chẩn đoán và điều trị, người bệnh nguy cơ tái nhiễm khi quan hệ tình dục trở lại.
Lê Nga